Nhân viên bưu chính Mỹ phân loại thư (Ảnh nguồn Internet) |
Lý do không có gì là khó hiểu: tuy được tổ chức và hoạt động như một tập đoàn kinh tế của Nhà nước, Bưu điện Mỹ lại thực hiện không ít dịch vụ công mang ý nghĩa chính trị xã hội, lịch sử và văn hoá nên sự phá sản của nó không đơn giản như sự phá sản của các tập đoàn kinh tế khác của nhà nước.
Bưu điện có trước, nước Mỹ có sau
Bưu điện Mỹ hiện trong tình thế khó khăn tới mức phải lựa chọn giữa tồn tại hay không tồn tại vì thu không đủ để bù chi. Nguồn thu bị ảnh hưởng mạnh bởi con người ngày nay càng ngày càng ít viết thư dán tem gửi đi và dịch vụ vận chuyển gói quà là thị trường bị các hãng tư nhân cạnh tranh quyết liệt.
Trong bối cảnh đó, Bưu điện Mỹ đã tiến hành từ vài năm nay một số biện pháp tiết kiệm chi tiêu, nhưng vẫn chưa xoay chuyển được tình thế. Trong thời gian tới, Bưu điện Mỹ dự định tiếp tục cắt giảm nhân công, đóng cửa thêm nhiều trạm bưu điện, nhưng dù có làm vậy mà không có được sự hậu thuẫn của nhà nước thì cũng vẫn không thể tránh khỏi nguy cơ bị phá sản.
Chỉ riêng trong năm tài chính này thôi, dự tính Bưu điện Mỹ sẽ lỗ khoảng 10 tỷ USD. Có một con tính rằng nếu mọi công dân Mỹ, bất kể già hay trẻ, lớn hay bé, đều phải mua tem gửi đi 8 bức thư thì cũng chỉ bù lấp được khoảng một phần mười khoản thua lỗ ấy.
Việc cứu Bưu điện Mỹ hiện đã trở thành chuyện cấp bách lớn trước hết đối với Quốc hội Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ không còn có thể đứng ngoài cuộc được nữa vì Bưu điện Mỹ đóng vai trò rất đặc biệt trong lịch sử, truyền thống văn hoá và xã hội nước Mỹ. Lịch sử hình thành và phát triển đến nay của Bưu điện Mỹ cũng còn là một phần lịch sử nước Mỹ.
Dịch vụ bưu chính xuất hiện còn trước cả thời điểm thành lập nước Mỹ, đóng vai trò nhất định vào việc hình thành nước Mỹ. Bà Claire McCaskill, thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Mỹ đã kiến nghị tổ chức những chương trình quảng cáo rầm rộ để khích lệ người Mỹ tăng cường viết thư gửi bằng đường bưu điện, đề cao giá trị và ý nghĩa của việc viết thư tay, gửi bưu thiếp và bưu ảnh.
Bà McCaskill và ông Joe Liebermann, thượng nghị sĩ cũng thuộc Đảng Dân chủ Mỹ khuyến nghị người dân Mỹ nên gửi thư tới những người thân yêu của mình chứ không nên chỉ sử dụng thư điện tử hay điện thoại. Ý tưởng của hai vị dân biểu này đang rất được tán thưởng trong Quốc hội Mỹ. Và chắc chắn Quốc hội Mỹ không thể không sớm quyết định chương trình tài chính giải cứu Bưu điện Mỹ.
Vẫn không thể thiếu
Không ai phủ nhận những tiện ích mới mà công nghệ thông tin trong thế giới hiện đại đưa lại. Nhưng rõ ràng những tiện ích ấy vẫn không thể thay thế được hoàn toàn dịch vụ bưu chính. Trong xã hội, không phải công dân nào cũng đều có đủ khả năng tài chính để sử dụng dịch vụ vận chuyển của các hãng tư nhân.
Trên đất nước, không phải khu vực lãnh thổ nào cũng có thể được các hãng tư nhân đảm bảo cung ứng dịch vụ công bằng. Nhà nước nào cũng có trách nhiệm đảm bảo sự công bằng cung ứng đó nếu muốn có được công bằng xã hội thực sự.
Đất nước có phát triển đến mấy thì cũng đâu có nghĩa là tất cả người dân đều có cơ hội và điều kiện tiếp cận mạng thông tin toàn cầu Internet, có thể viết và nhận mail hay truy cập đọc báo điện tử ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào.
Báo chí điện tử chưa thể thay thế được báo in đối với tất cả mọi người như thư điện tử chưa thể thay thế được thư viết gửi qua bưu điện. Vì thế, bưu điện vẫn rất cần thiết. Những giá trị, bản sắc và truyền thống văn hoá, xã hội, lịch sử đất nước và tình cảm con người liên quan đến bưu điện vì thế vẫn cần phải được bảo tồn và phát triển ở tất cả các quốc gia và khu vực trên trái đất này chứ không chỉ riêng ở nước Mỹ.
Hôm nay | 15 | |
Hôm qua | 56 | |
Tuần này | 252 | |
Tháng này | 986 | |
Tất cả | 936505 |
|