Các dịch vụ bưu chính trực tuyến như theo dõi lộ trình bưu kiện, tìm vị trí bưu cục, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn qua Internet... đang ngày càng trở nên quan trọng với ngành công nghiệp bưu chính. Đây là kết quả nghiên cứu do cơ quan bưu chính toàn cầu của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 23/01/2012.
Theo nghiên cứu này, riêng năm 2010 đã có thêm 85 loại dịch vụ bưu chính điện tử mới ra đời, so với 33 dịch vụ năm 2007. Ông Edouard Dayan, TGĐ Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), cho biết: “Nghiên cứu này chứng tỏ rằng, khi khối lượng thư truyền thống giảm, bưu chính các nước phải đứng trước những thách thức vô cùng lớn. Họ đang vận dụng sức sáng tạo và công nghệ mới để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của khách hàng”.
Báo cáo này đã công bố bảng xếp hạng các dịch vụ bưu chính điện tử khắp thế giới. Trong đó, Bưu chính Thụy Sỹ, Belarus, Italia, Đức và Qatar đứng đầu danh sách các nước có tốc độ phát triển dịch vụ bưu chính điện tử nhanh nhất. Theo sau là Tunisia, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ và Canada.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, mặc dù các nước phát triển có số lượng dịch vụ điện tử nhiều gấp 2 lần các nước đang phát triển song một số nước vẫn chậm chân về việc cung cấp các giải pháp sáng tạo. Ông Dayan khẳng định: “Khả năng đổi mới hoàn toàn tách biệt với sự giàu có. Đó là lý do tại sao bưu chính một số nước đang phát triển vẫn vươn lên dẫn đầu ở vài lĩnh vực”.
Nghiên cứu này chia 55 dịch vụ điện tử thành 4 loại hình khác nhau, bao gồm bưu chính điện tử (e-post), tài chính điện tử (e-finance), thương mại điện tử (e-commerce) và chính phủ điện tử (e-government). Trong đó, dịch vụ bưu chính điện tử là phát triển nhất, theo sau là tài chính điện tử và thương mại điện tử. Chính phủ điện tử vẫn còn khá mới mẻ, số lượng các nước cung cấp dịch vụ này còn rất ít.
Ngoài ra, báo cáo còn xác định các dịch vụ được coi là rất quan trọng nhưng chưa được phát triển mạnh gồm chữ ký điện tử, thông báo với khách hàng về hoạt động chuyển phát qua tin nhắn văn bản hoặc email, thay đổi địa chỉ qua Internet, tài liệu hải quan điện tử và nhận dạng kỹ thuật số...
Mặc dù các dịch vụ bưu chính điện tử rất quan trọng nhưng nghiên cứu này cũng cho thấy bưu chính một số nước chưa thực sự chú ý đến việc đầu tư, tiếp thị và quản lý cho loại hình này.
Theo UN News Centre
Hôm nay | 15 | |
Hôm qua | 56 | |
Tuần này | 252 | |
Tháng này | 986 | |
Tất cả | 936505 |
|