Trong Quyết định phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT nhiệm vụ phê duyệt các đề án, dự án, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT cho cộng đồng. Sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ TT&TT đã thành lập hẳn một Phòng Ứng dụng CNTT cho cộng đồng thuộc Cục Ứng dụng CNTT.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT cho biết, thời gian tới Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện hơn nữa cơ chế chính sách pháp lý hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng CNTT cho cộng đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ học tập kinh nghiệm của một số nước như Đài Loan, Hàn Quốc… trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT-TT cho cộng đồng. Với những nỗ lực nêu trên, người dân nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa sẽ có thêm nhiều cơ hội để tận dụng lợi thế của CNTT-TT để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Khi đó, khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị sẽ được thu hẹp.
Tích cực ứng dụng CNTT-TT cho cộng đồng, Đà Nẵng đã triển khai chương trình Đưa Internet về làng. Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng thì đã nảy sinh khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Ông Sơn cho biết, khi Sở TT&TT Đà Nẵng đưa mô hình trạm Internet về một số xã vùng sâu, vùng xa, ngay từ ban đầu đã hết sức lúng túng, khó khăn nhất là vấn đề nhân lực đủ trình độ chuyên môn để vận hành các trạm này, chưa kể việc đưa Internet về xã vùng sâu, vùng xa rất gian nan vì không có sẵn đường truyền của các nhà cung cấp dịch vụ.
“Một điểm đặc biệt ở Đà Nẵng là nhiều trạm Internet không đặt ở Ủy ban xã mà đặt ở nhà của Hội trưởng Hội nông dân ở thôn. Hiện đã có 40/56 phường, xã có trạm Internet, được hỗ trợ kinh phí vận hành. Tuy nhiên, hết 3 năm “bao cấp” thì chưa biết sẽ thu xếp kinh phí từ nguồn nào. Nếu chỉ bao cấp một phần rồi để thiết chế nông thôn tự lo nguồn sống thì rất khó”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cũng thừa nhận hiện rất khó đảm bảo sự phát triển bền vững các dự án tài trợ của Nhà nước hoặc các tổ chức đối với hoạt động ứng dụng CNTT cho cộng đồng. Sau khi sự tài trợ chấm dứt, rất khó có thể duy trì dự án. Bộ TT&TT cũng đã nhận thấy muốn giải được bài toán kinh phí thì phải huy động được sự tham gia của chính cộng đồng. Ví dụ sau 3 năm được “bao cấp”, có thể thành lập sàn giao dịch trên mạng để chính cộng đồng người sử dụng cùng đóng phí sử dụng để duy trì mô hình. “Hiện chưa có mô hình ứng dụng CNTT cho cộng đồng nào thực sự phát triển theo hình thức nêu trên. Tuy nhiên, khi thiết kế các dự án ứng dụng CNTT cho cộng đồng, Bộ TT&TT đều nhắm tới mục tiêu như vậy để cùng nhau xây dựng nên những mô hình ứng dụng CNTT bền vững cho cộng đồng”, ông Phúc cho biết.
Theo ICTnews
Hôm nay | 15 | |
Hôm qua | 56 | |
Tuần này | 252 | |
Tháng này | 986 | |
Tất cả | 936505 |
|