Việc giá xăng dầu tiếp tục tăng đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động SX-KD của các DN bưu chính, thậm chí có nguy cơ “ăn lẹm” vào lợi nhuận 2012 của DN. Thế nhưng, nhiều DN bưu chính vẫn chưa quyết định tăng giá cước và phụ phí xăng dầu.
“Ăn lẹm” vào lợi nhuận
Trao đổi với báo BĐVN, đại diện lãnh đạo một số DN bưu chính khẳng định, việc tăng giá xăng dầu (ngày 7/3 giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 2.100 đồng/lít - khoảng 10% so với mức giá cũ, dầu diezel tăng thêm 1.000 đồng/lít - tương đương 5% so với mức giá cũ) đã tác động mạnh đến hoạt động của các DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát. Theo ông Nguyễn Đức Thế - TGĐ Công ty TM&DV chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco), dù chưa có con số thống kê chính xác nhưng giá xăng tăng đã kéo chi phí đầu vào của Netco lên theo, do đó nếu tiếp tục duy trì mức giá cước cũ đồng nghĩa với việc DN chấp nhận mức lợi nhuận hàng tháng bị sụt giảm. Có chung nhận định với ông Thế, đại diện lãnh đạo Công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost) cho biết, cùng với tiền thuê địa điểm, chi phí xăng dầu là loại chi phí chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 30-40% chi phí sản xuất. Theo thống kê, năm 2011, giá xăng biến động liên tục nhưng ViettelPost không tăng cước mà chỉ áp dụng thu thêm phụ phí xăng và hệ lụy là mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng tới trên 37% nhưng lợi nhuận của DN này chỉ đạt hơn 18 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch. Giá xăng và dầu diezel tăng buộc các DN bưu chính chuyển phát, trong đó có ViettelPost phải đối mặt với khó khăn trong việc đàm phán với khách hàng. Bởi lẽ, nhiều hợp đồng vận chuyển cho khách hàng được ký kết, thỏa thuận về giá cả trước khi giá xăng tăng.
Với Công ty CP chuyển phát nhanh Tín Thành, theo TGĐ Nguyễn Văn Tú, bị tác động trực tiếp đầu tiên từ việc tăng giá xăng là đội ngũ hơn 400 nhân viên giao nhận, những người trực tiếp đi chuyển phát thư, hàng bằng xe máy của Tín Thành. Ban GĐ Tín Thành đang tính toán để tăng phụ cấp xăng dầu cho họ. Đồng thời, theo thống kê sơ bộ, mỗi tháng Tín Thành đang chi khoảng 5 tỷ đồng tiền xăng dầu cho đội xe dịch vụ gồm hơn 300 đầu xe. Với đợt tăng giá này, ước tính phần chi phí xăng dầu của Tín Thành sẽ tăng thêm gần 300 triệu đồng. Bên cạnh việc bị tác động trực tiếp vào chi phí sử dụng nhiên liệu hàng tháng, theo phản ánh của các DN, họ còn phải đối mặt với khó khăn gián tiếp do các hãng hàng không, đối tác vận tải đã rục rịch thông báo tăng giá cước dịch vụ vận chuyển. Điều này khiến cho chi phí thuê ngoài vận chuyển của các DN bưu chính bị “đội” lên. Cụ thể, Vietnam Airlines đã gửi thông báo về việc tăng giá vận chuyển một số mặt hàng, trong đó có mặt hàng giá vận chuyển qua đường hàng không tăng tới 100% như men bia.
DN bưu chính vẫn “thăm dò đối thủ”!
Mặc dù bị ảnh hưởng, tác động mạnh từ việc xăng dầu tăng giá song các DN bưu chính lớn, có “thâm niên” trên thị trường như VNPost Express, ViettelPost, Tín Thành, Netco… vẫn chưa quyết định tăng giá cước dịch vụ hoặc phụ phí xăng dầu. Giải thích về điều này, đại diện lãnh đạo ViettelPost cho hay, việc tăng giá cước dịch vụ hay phụ phí xăng dầu của các DN bưu chính bao giờ cũng có độ trễ nhất định, thường chậm hơn ít nhất là 2 - 3 tháng so với thời điểm tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, ViettelPost vẫn theo dõi, chờ xem động thái của các DN khác. Trước mắt, trong thời gian các đơn vị chuyên môn nghiên cứu những giải pháp để đối phó với áp lực của đợt tăng giá xăng dầu lần này, các biện pháp nhằm tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất sẽ được ViettelPost áp dụng triệt để. Cụ thể, bên cạnh việc tăng cường phối hợp, sử dụng chung hạ tầng với viễn thông nhằm tiết kiệm chi phí, ViettelPost sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành SX-KD để tăng cường kiểm soát, tối ưu chi phí.
Trong khi vẫn giữ mức giá cũ, để cân đối giữa chi phí và hiệu quả SX-KD, Netco sẽ rà soát lại các khoản chi nhiên liệu để đảm sử dụng nguyên vật liệu hợp lý hơn; có thể lắp đặt thiết bị tiết kiệm nhiên liệu; đồng thời việc tính toán lượng hàng hóa và sắp xếp lại các tuyến xe tải và tuyến bưu tá hiệu quả sẽ giúp giảm được mức sử dụng xăng dầu. Lãnh đạo Tín Thành cũng khẳng định, từ đầu năm 2012 đến nay, mặc dù giá xăng dầu, chi phí đầu vào tăng nhưng Tín Thành vẫn duy trì mức giá cũ. Khoảng tháng 4 tới, Tín Thành sẽ điều chỉnh giá, song bên cạnh việc tăng giá dịch vụ ở một số địa bàn thì DN này cũng lên kế hoạch giảm giá cước đối với những vùng mới mở mạng lưới.
Việc các DN bưu chính có tâm lý “thăm dò đối thủ”, chờ các DN lớn tăng giá rồi mới đồng loạt tăng theo là thực tế không mới. Đầu năm 2011, sau khi VNPost Express và ViettelPost (2 DN chiếm phần khá lớn về thị phần dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước) chính thức điều chỉnh phụ phí xăng dầu, hàng loạt DN nhỏ đã công bố tăng giá. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do thị trường bưu chính chuyển phát cạnh tranh rất khốc liệt, nếu tự động tăng giá cước theo xăng nhiều khi sẽ “lợi bất cập hại”, rất dễ mất khách hàng về tay của các đối thủ cạnh tranh.
Theo báo Bưu điện Việt Nam
Hôm nay | 15 | |
Hôm qua | 56 | |
Tuần này | 252 | |
Tháng này | 986 | |
Tất cả | 936505 |
|