Tiếp tục hợp tác sau khi chia tách là mong muốn và khẳng định của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) tại Lễ bàn giao chuyển quyền đại diện Chủ sở hữu Nhà nước tại Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về Bộ TT&TT sáng nay 19/12 tại trụ sở VNPT, Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, Ngành và lãnh đạo các thế hệ ngành TT&TT.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Phạm Long Trận xúc động chia sẻ 67 năm Bưu chính - Viễn thông (BC - VT) là tài sản quý cần trân trọng, hiểu, thông cảm và cam kết hỗ trợ cho VNPost tiếp tục phát triển.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết “Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của TT&TT, đánh dấu bước trưởng thành và mở ra một giai đoạn phát triển mới của cả hai lĩnh vực BC-VT. Đặc biệt, việc Chính phủ đồng ý Tổng công ty Bưu chính Việt Nam được lấy tên Bưu điện Việt Nam, một cái tên gần gũi, quen thuộc với nhân dân từ cơ sở đến trung ương, gắn liền với quá trình Cách mạng Việt Nam, thể hiện sự tin tưởng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên, giữ vững và phát huy được truyền thống vẻ vang của Bưu điện nước nhà”.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đề nghị VNPT, các đơn vị thành viên VNPT tiếp tục duy trì, xem xét, mở rộng hợp tác hơn nữa với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cùng nhau hợp tác, kinh doanh có hiệu quả, đôi bên cùng có lợi trên nguyên tắc thị trường, hỗ trợ, tạo điều kiện cùng nhau phát triển, cùng gìn giữ và vun đắp những giá trị truyền thống quý báu mà các thế hệ người Bưu điện đã giầy công xây dựng, cùng nhau giữ gìn, phát huy 10 truyền thống chữ vàng “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình”.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Phạm Long Trận và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng ký kết chuyển giao quyền đại diện Chủ sở hữu Nhà nước tại VNPost dưới sự chứng kiến các thế hệ lãnh đạo ngành TT&TT và các Bộ, Ban, ngành
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao các Quyết định giao nhiệm vụ cho các ông Đỗ Ngọc Bình và ông Phạm Anh Tuấn phụ trách các chức vụ Chủ tịch và Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện từ 1/1/2013
Việc bàn giao này được thực hiện theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Lễ bàn giao cũng là sự kiện chuẩn bị cho thời điểm VietnamPost chính thức tách ra hoạt động độc lập với VNPT từ ngày 1/1/2013 tới đây; đồng thời là bước cuối cùng, khép lại quá trình chia tách BC-VT tại Việt Nam đã được khởi động triển khai từ hơn 10 năm trước.
Việc chia tách BC-VT là nhu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế thị trường và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trên thế giới, quá trình chia tách BC-VT được triển khai từ những năm 1970 và diễn ra mạnh nhất vào cuối những năm 1980, đầu 1990. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, việc chia tách này sẽ tạo điều kiện cho Viễn thông thực hiện tự do hoá thương mại, còn Bưu chính có điều kiện để cải cách, từng bước tiến tới cân bằng thu chi và có lãi. Đến nay, hầu hết các nước thành viên của UPU (189 nước) đã tách riêng BC-VT và chỉ còn khoảng 10%, chủ yếu là những quốc gia nhỏ, nơi quy mô mạng lưới và hoạt động của cả 2 lĩnh vực ở mức nhỏ và vừa là chưa thực hiện việc chia tách này.
Trải qua 5 năm, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng VietnamPost vẫn giữ vững và phát huy vai trò chủ lực đối với mạng lưới Bưu chính chuyển phát của đất nước, đảm bảo thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, ổn định đời sống CBCNV, củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ, bước đầu nâng cao sản lượng các dịch vụ hiện có, phát triển thêm một số dịch vụ mới. Những kết quả đáng khích lệ này đã khẳng định tính đúng đắn của định hướng chia tách BC-VT, đồng thời cho thấy các điều kiện cần thiết cho việc VietnamPost ra hoạt động độc lập hoàn toàn với VNPT đã tương đối đầy đủ.
Để có được những kết quả đó, phải kể đến vai trò, trách nhiệm và những nỗ lực lớn của VNPT trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để VietnamPost từng bước tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn. Đến thời điểm hiện tại, VietnamPost đã nhận bàn giao đủ tổng số 8.122 tỷ đồng vốn điều lệ. Đã có trên 50 Bưu điện và Viễn thông địa phương thống nhất được phương án phân chia tài sản nhà đất, trong đó có 43 địa phương đã trình và được Hội đồng thành viên VNPT ra quyết định phân chia nhà cửa, đất đai. Hiện nay, VNPT và VietnamPost vẫn đang tiếp tục khẩn trương hoàn tất các thủ tục phân chia và bàn giao phân chia nhà đất tại các địa phương.
Cùng với việc tách khỏi VNPT, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam có tên gọi mới là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (tên viết tắt tiếng Việt là “Bưu điện Việt Nam”, tiếng Anh là “VietnamPost”), hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên không có Hội đồng thành viên, áp dụng mô hình Chủ tịch Công ty và Ban Tổng Giám đốc với chủ sở hữu trực tiếp là Bộ TT&TT.
Năm 2013, năm đầu tiên tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn với VNPT cũng sẽ là năm cuối cùng VNPost được nhận trợ cấp công ích trực tiếp bằng tiền của Nhà nước. Tuy nhiên, Vietnam Post vẫn đặt mục tiêu tổng lợi nhuận toàn Tổng công ty là 45,5 tỷ đồng, tăng 7% so với dự kiến thực hiện năm nay. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ - Bưu chính Việt Nam phấn đấu đạt 32,5 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012 và lợi nhuận các công ty con đạt 13 tỷ đồng, tăng 14%.
Các mốc chính trên lộ trình chia tách BC-VT:
- Từ năm 1998, Tổng cục Bưu điện đã trình Chính phủ đề án về đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý ngành Bưu điện Việt Nam, trong đó có nội dung tách BC-VT.
- Tháng 9/2001, VNPT đã khởi động lộ trình chia tách BC-VT, với việc thí điểm chia tách BC-VT ở cấp huyện tại 10 tỉnh gồm: Lào Cai, Hà Tây, Hà Nam, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Long An, Nghệ An, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
- Đầu năm 2005, VNPT thí điểm tách BC-VT ở cấp tỉnh tại 6 tỉnh mới thành lập do tách địa dư hành chính. VNPT đã thành lập 6 bưu điện tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang, Đắc Lắc, Đắc Nông, Điện Biên, Lai Châu chịu trách nhiệm tổ chức quản lý mạng lưới và kinh doanh dịch vụ bưu chính; thành lập 3 công ty Viễn thông: Đắc Lắc - Đắc Nông, Cần Thơ - Hậu Giang, Điện Biên – Lai Châu chịu trách nhiệm quản lý mạng lưới và kinh doanh dịch vụ viễn thông.
- Ngày 1/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 674/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam. Trên cơ sở Quyết định này, ngày 15/6/2007, Bộ Bưu chính Viễn thông đã ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-BCVT thành lập VNPost.
- Ngày 15/11/2007, HĐQT VNPT Việt Nam đã ra Quyết định 496/QĐ-TCCB/HĐQT phê duyệt Phương án chia tách BC-VT trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
- Ngày 26/12/2007, VNPost chính thức ra mắt, là Tổng công ty nhà nước do Nhà nước đầu tư và thành lập, giao vốn qua VNPT.
- Từ ngày 1/1/2008, Tổng Công ty BC Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. VNPT đồng loạt chia tách BC-VT trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố còn lại và chính thức hoạt động theo mô hình mới.
- Ngày 28/6/2010, thực hiện Nghị định số 25/2010/NĐ-CP, ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên, Tổng Công ty BC Việt Nam đã chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (Quyết định số 928/QĐ-TCCB-BTTTT).
- Ngày 16/11/2012, Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty BC Việt Nam từ VNPT về Bộ TT&TT. Tổng Công ty BC Việt Nam đổi tên thành Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Hôm nay | 15 | |
Hôm qua | 56 | |
Tuần này | 252 | |
Tháng này | 986 | |
Tất cả | 936505 |
|