Một góc Bảo tàng Bưu điện Việt Nam. |
Bảo tàng Bưu điện Việt Nam (Bảo tàng BĐVN) là một bảo tàng chuyên ngành về BCVT-CNTT, được thành lập ngày 10/12/1994. Thời gian đầu, Bảo tàng được đặt tại trụ sở 18 Nguyễn Du - Hà Nội, đến tháng 5/2007, Bảo tàng chuyển về toà nhà số 10 Hạ Hồi.
Để Bảo tàng BĐVN phát triển ngang tầm với lịch sử vẻ vang của Ngành, đồng thời gìn giữ giá trị văn hóa cho thế hệ sau, VNPT đã quyết định đưa Bảo tàng BĐVN về trưng bày tại Tòa nhà VNPT.
Phòng trưng bày của Bảo tàng BĐVN được thiết kế trên một mặt phẳng có diện tích 500 m2 và được bố trí một cách khoa học, đi theo từng tiến trình lịch sử của ngành Bưu điện, giúp người xem dễ cảm, dễ hiểu về từng giai đoạn trưởng thành và phát triển của Ngành.
Bước chân vào Phòng trưng bày Bảo tàng BĐVN, đầu tiên là Phòng khánh tiết được thiết kế theo hướng không gian mở, là nơi tổ chức những buổi hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên đề, kết nạp Đảng viên, Đoàn viên mới, giao lưu giữa các thế hệ.
Tại đây, không gian rộng với chủ điểm là 2 bức tranh Vươn ra biển lớn và Chiếm lĩnh không gian vũ trụ của BCVT Việt Nam. Đặt ở vị trí trang trọng của phòng là hai tủ trưng bày những phần thưởng cao quý mà ngành Bưu điện đã đạt được trong suốt quá trình hơn 65 năm xây dựng và phát triển như Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Trong khu kế tiếp, Bảo tàng đã chia các đai trưng bày theo từng thời kỳ lịch sử. Trong thời Pháp thuộc, Bảo tàng đã sưu tầm được một số hình ảnh về hoạt động bưu chính, vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện bằng đường bộ tại nông thôn, một số vật dụng trước năm 1945 như thùng thư lưu ký do Pháp sản xuất của Bưu điện Đà Nẵng gửi tặng; đoạn cáp điện thoại do thực dân Pháp sản xuất, được lắp đặt phục vụ thông tin hữu tuyến Sài Gòn - Hà Nội từ năm 1888; máy điện thoại do hãng Ericsson sản xuất, được sử dụng phục vụ thông tin liên lạc thời Pháp thuộc ở Hà Nội năm 1940, được công nhân người Việt cất giấu và sử dụng phục vụ chính quyền cách mạng sau năm 1945.
Đai trưng bày giai đoạn 1945-1954 mang lại nhiều xúc cảm với người xem trước những hiện vật mà lớp cha anh đi trước đã sử dụng phục vụ cho việc thông tin liên lạc như chiếc xe đạp do đồng chí Nguyễn Văn Tân, cán bộ kỹ thuật ngành Bưu điện có sáng kiến cải tiến, lấy bộ phận tạo ra điện (Đi-Na-Mô) của ô tô Pháp lắp vào bánh sau xe đạp, nối với bánh xe trước tạo thành máy phát điện một chiều, dùng để cung cấp nguồn điện cho máy vô tuyến điện; những vật dụng thô sơ như chiếc ống quyển được làm bằng thân cây tre, nứa; túi được khâu bằng vải thô dùng để đựng công văn, tài liệu; băng đỏ phù hiệu Quốc kỳ mà giao thông viên Hà Nội đeo khi làm nhiệm vụ trong những ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946; chiếc phao bơi bằng vải mà giao thông viên Vũ Thị Thuấn đã sử dụng 9 lần vượt sông Văn Úc để chuyển công văn, tài liệu và đưa đón cán bộ cách mạng.
Tại đai trưng bày này, Bảo tàng cũng trưng bày một số máy móc, thiết bị CBCNV ngành Bưu điện đã sử dụng trong giai đoạn này: máy vô tuyến điện BC-1306, máy phát âm thanh manip dùng dạy học lớp vô tuyến điện báo đầu tiên…
Tại đai trưng bày 1955-1975, Bảo tàng đã lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu nhất để giới thiệu một số hoạt động trọng tâm của ngành Bưu điện như: Lễ bàn giao Nha Bưu điện Bắc phần cho Chính quyền Cách mạng tháng 10/1954; hoạt động của một Phòng giao dịch Bưu điện ở giới tuyến; Hệ thống loa truyền thanh do CBCNV Công ty Công trình Bưu điện mắc tại bờ Bắc sông Bến Hải từ năm 1960. Bên cạnh đó là một số hiện vật phục vụ sản xuất và chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có máy điện thoại phục vụ giao thông vận tải tại bến phà Ghép - Thanh Hoá, nơi thường xuyên bị máy bay Mỹ bắn phá, máy thu phát kèm ragônô phục vụ chiến đấu và phòng chống thiên tai, chiếc xe Hon đa mà lực lượng giao bưu khu Sài Gòn-Gia Định đã sử dụng để vận chuyển công văn, tài liệu, đưa đón cán bộ đến địa điểm tập kết an toàn.
Giai đoạn 1975 cho đến nay, đi lên cùng đất nước, ngành Bưu điện bước vào giai đoạn tăng tốc, hội nhập quốc tế. Tại đai trưng bày này, Bảo tàng đã lựa chọn một số sản phẩm công nghiệp thông tin do ngành Bưu điện sản xuất, mô hình, hình ảnh các công trình tiêu biểu: Công trình thông tin vệ tinh mặt đất đầu tiên do Liên Xô giúp đỡ, được xây dựng năm 1980 tại Do Lễ, Kim Bảng, Hà Nam; hình ảnh xây dựng cột cao trên tuyến thông tin hữu tuyến dọc Quốc lộ 1A Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Minh Hải; Thi công lắp đặt cáp ngầm tại các thành phố lớn, lắp đặt anten viba số, phóng vệ tinh Vinasat…
Ngoài ra, còn rất nhiều các hình ảnh và hiện vật của những sự kiện lớn trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, phát triển VT-CNTT trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, người xem cũng có ấn tượng sâu sắc với bộ sưu tập gần 400.000 tem UPU của 264 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức phát hành tem thế giới; hơn 4.000 mẫu tem Bưu chính Việt Nam; 105 cuốn album tem UPU cổ; dấu tem, phim tem và nhiều hiện vật liên quan đến tem tại đây.
Nỗ lực gìn giữ và xây dựng giá trị văn hóa lịch sử
Trong suốt 15 năm qua, Bảo tàng BĐVN đã làm tốt công tác sưu tầm hiện vật để làm phong phú thêm kho cơ sở của Bảo tàng. Các CBCNV Bảo tàng đã cần mẫn lựa chọn hàng trăm ngàn hiện vật, hình ảnh để tổng hợp, phân loại phục vụ cho công tác trưng bày. Với những hiện vật chưa có nguồn gốc, CBCNV Bảo tàng đã nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tổng hợp và xác minh, cập nhật thông tin vào các loại biểu mẫu.
Từ những công việc thầm lặng như vậy, cho đến nay Bảo tàng Bưu điện đã lập được trên 2.000 hồ sơ khoa học hiện vật, trong đó có cả hiện vật Tem Bưu chính Việt Nam. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đã nỗ lực thực hiện bộ sưu tập ảnh chân dung và tiểu sử tóm tắt các đồng chí lãnh đạo ngành Bưu điện qua các thời kỳ; bộ sưu tập ảnh 50 đơn vị đạt danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động, và bộ sưu tập ảnh các cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Hàng năm, Bảo tàng còn nhận các thiết bị bưu chính, viễn thông không còn sử dụng trên mạng lưới, hoàn thiện những thủ tục hồ sơ để nhập vào Kho cơ sở của Bảo tàng; nhận ảnh tuyên truyền về các hoạt động của ngành Bưu điện; hướng dẫn các đơn vị trong Tập đoàn sưu tầm hiện vật và lập hồ sơ khoa học cho các hiện vật trong Phòng truyền thống tại đơn vị. Những phòng truyền thống này sẽ là nơi cung cấp nguồn hiện vật phong phú khi Bảo tàng Bưu điện (tại C1, Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) được xây dựng.
Bảo tàng Bưu điện cũng đã xuất bản 3 cuốn sách Lịch sử Bưu điện Việt Nam, Lịch sử Thông tin Liên lạc khu ATK, Lịch sử Giao bưu vận và Thông tin VTĐ Nam bộ; Kỷ yếu liệt sỹ; tuyển tập những bài hát và thơ ca về ngành Bưu điện, đồng thời tham gia hướng dẫn các đơn vị trong Tập đoàn biên soạn, xuất bản sách lịch sử làm phong phú thêm nguồn tư liệu lịch sử của Ngành.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng mô hình Bảo tàng vừa có thể là Trung tâm vui chơi giải trí, được đưa vào danh sách điểm tham quan du lịch. Thời gian tới đây, khi Bảo tàng BĐVN tại C1, Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội được xây dựng, không chỉ CBCNV trong Ngành mà cả cán bộ ngoài Ngành, nhân dân trong nước, bạn bè thế giới cũng có thể được tham quan những hiện vật mang tính lịch sử, các công nghệ dịch vụ mới, các sản phẩm thiết bị hiện đại của ngành VT-CNTT.
Trần Lâm
Hôm nay | 15 | |
Hôm qua | 56 | |
Tuần này | 252 | |
Tháng này | 986 | |
Tất cả | 936505 |
|